NGƯT.GS.TS. ĐÀO VĂN LƯỢNG
“CHÁY ĐẾN KIỆT CÙNG GIỌT SÁP LONG LANH”
Hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học là từng ấy năm NGƯT.GS. TS. Đào Văn Lượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn - say mê tìm tòi và không ngừng rèn luyện, học hỏi để giúp các sinh viên hấp thụ những kiến thức mới một cách dễ dàng và hiệu quả. Đối với thầy, nghề giáo đã trở thành cái nghiệp gắn bó suốt cuộc đời. Việc truyền tải tri thức và đạo đức làm người tới sinh viên là niềm đam mê bất tận và cũng là cái nghiệp của một người thầy, môt nhà quản lý có tài và có tâm.
Những năm tháng không quên
GS.TS Đào Văn Lượng sinh ngày 05 tháng 06 năm 1945 tại Sài Gòn. Tuổi thơ thầy may mắn không phải trải qua nạn đói Ất Dậu tàn khốc nhưng qua lời kể của mẹ, thầy mới biết ký ức ấy kinh hoàng thế nào. Cảm nhận được nỗi đau đớn mỗi khi nhắc lại quá khứ của mẹ, thầy càng thêm trân trọng cuộc sống hiện tại, để rồi cố gắng phấn đấu thành một người có ích cho đất nước, cho xã hội. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha là cán bộ thường xuyên đi hoạt động xa nhà nên cậu bé Đào Văn Lượng vốn hiếu học, lại thừa hưởng truyền thống cách mạng của gia đình, nên từ khi còn rất nhỏ cậu đã có tính tự lập rất cao.
Thầy vẫn nhớ như in những ngày cùng bạn bè đầu đội mũ rơm, lưng đeo nệm rơm chống mảnh bom đạn ở nơi sơ tán, những lần chui hầm học chữ trong khói, đạn của quân thù, nhưng dù cho con đường theo đuổi tri thức gập ghềnh, khó khăn là thế thì hoài bão được đứng trên bục giảng, gieo con chữ cho những ước mơ xanh vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim thầy.
Với bản tính hiền lành nhưng mạnh mẽ nên ngay khi tốt nghiệp THPT thầy đã rời xa quê hương, xa gia đình để vào học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo đuổi ước vọng của mình. Thiếu đi vòng tay che chở của mẹ, thiếu đi lời khuyên bảo răn dạy của cha, cuộc sống của chàng thanh niên trẻ tuổi gặp không ít khó khăn, trắc trở. Thời kỳ ấy, Mỹ mở rộng chiến tranh, đánh phá miền Bắc, con đường tới trường vốn dĩ đã ghập ghềnh giờ càng thêm gian nan. Ngoài những giờ học nhọc nhằn theo những đợt sơ tán ở miền núi Thái Nguyên, thầy còn tham gia vào hoạt động Đoàn thanh niên với những cuộc biểu tình chống đế quốc xâm lược, đòi thống nhất nước nhà. Chính trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc ấy đã hun đúc nên một thế hệ thanh niên với một tinh thần kiên cường, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, nuôi dưỡng niềm tin mãnh liệt vào tương lai của dân tộc. Và một trong những tấm gương tiêu biểu ấy chính là GS.TS. Đào Văn Lượng.
Thời gian thấm thoát trôi, bốn năm sống trọn vẹn với khát khao tuổi trẻ cùng thành tích nổi bật, năm 1968 thầy được phân công làm giảng viên đại học. Ước mơ về một ngày được đứng trên bục giảng của thầy đã trở thành hiện thực. Bắt đầu từ đây cuộc đời thầy gắn bó với nghề giáo, với phấn trắng, bảng đen và những thế hệ học trò thân thương. Thầy viết:
Nhớ ngày đầu mới bước vào nghề giáo
Cứ bồi hồi khi đứng trước đàn em
Những vui, buồn, những trăn trở của con tim
Cũng sâu lắng trong từng lời bài giàng…
Với vai trò là một người truyền tải tri thức, nhiệt huyết đam mê, thầy luôn trăn trở với từng trang giáo án, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, tìm tòi phương pháp giảng dạy mới giúp sinh viên dễ hiểu, định hướng cho các em tính tích cực trong học tập và rèn luyện. “Lấy học sinh làm trung tâm” là phương pháp dạy học thầy áp dụng vào hầu hết các bài gảng của mình cho nên các tiết giảng của thầy đều làm cho sinh viên cảm thấy nhẹ nhàng và thú vị.
Trái ngọt từ những đam mê
Năm 1976 rời xa ngôi trường sau 8 năm gắn bó, thầy được cử đi làm Nghiên cứu sinh với đề tài “Mô hình hóa các quá trình hóa học bằng lý thuyết xác suất và tin học” tại trường Đại học Tổng hợp Dresden CHDC Đức. Với tố chất ham học hỏi, chỉ sau nửa tháng thầy đã sử dụng thành công phương pháp lập trình tin học. Từ sự thành công ban đầu này cùng những thành tựu đạt được khi làm Nghiên cứu sinh đã khiến nhà trường nơi thầy làm nghiên cứu muốn giữ thầy ở lại tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, thầy đã không ở lại chỉ vì một lẽ đơn giản: “Những nội dung tôi đang nghiên cứu chưa thực sự hữu ích cho quê hương vào thời điểm đang còn vô vàn khó khăn ấy”. Thầy tâm sự: “Thời gian học tập, nghiên cứu bên đó tôi luôn mang trong mình một mặc cảm về thân phận của kẻ đi học nhờ, ở đậu. Dù chính sách đãi ngộ của bạn rất tốt, nhưng với tôi quê hương vẫn là một điều gì đó rất thiêng liêng. Nước mình còn quá nghèo, tôi muốn được làm việc để góp phần làm bớt đi một chút nghèo, tôi muốn trả ơn những gì tôi có được và đơn giản bởi tôi thấy rằng, trách nhiệm của một công dân là phải phục vụ đất nước mình, dân tộc mình”. Với tất cả những trăn trở ấy thầy đã chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy được con người Việt Nam trung hiếu và yêu đất nước mình đến nhường nào. Sau khi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, GS.TS Đào Văn Lượng trở về nước tiếp tục cuộc hành trình dài với hành trang kiến thức đã được tích lũy, cống hiến vào sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà.
Với những dự định cho tương lai, năm 1980 thầy quay trở lại với công việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Dù cuốc sống còn vô vàn khó khăn nhưng thầy nhận ra rằng bao năm qua khát khao “gieo chữ” của mình chưa bao giờ sai. “Nghề nào cũng có nỗi buồn, cũng có niềm vui/ Cũng trăn trở giữa Lẽ Đời - Lẽ Đạo”. “Đúng vậy, nghề nào cũng cần có chữ Tâm – một chữ Tâm xuyên suốt trong từng suy nghĩ và hành động hướng về thế hệ trẻ”. Đó là những chia sẻ chân thành của thầy khi chúng tôi có dịp trò chuyện.
Trong suốt thời gian đứng trên bục giảng, lúc nào thầy cũng coi học trò như những đứa con thân yêu của mình bởi thầy quan niệm: “Dạy tốt không chỉ đơn thuần là sự chuẩn bị chu đáo, sự nhiệt tình trong từng tiết dạy để truyền đạt những kiến thức uyên thâm của người thầy mà còn phải kích hoạt được sự tham gia của người học. Do đó dạy tốt – học tốt là sự kết hợp hài hòa, tác động bổ sung qua lại giữa hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò. Hai hoạt động này diễn ra song song, hài hòa, trong đó người thầy đóng vai trò một nhạc trưởng”. Trước khi truyền tải kiến thức mới phải nhận biết, phải tìm hiểu đối tượng người học để chuẩn bị nội dung, phương pháp phù hợp. Không chỉ phải tìm hiểu kiến thức mà còn phải tìm hiểu về những đặc điểm tâm lý của các sinh viên để tạo ra sự giao lưu thân thiện. Sự giao lưu, đồng cảm sẽ là cầu nối tốt đẹp trong việc truyền tải kiến thức. Lúc đó, sự giảng dạy của thầy sẽ thuận lợi hơn, đồng thời trò cũng mạnh dạn hơn, sáng tạo hơn trong cách tiếp thu kiến thức”.
Có điều kiện đi nhiều nước trên thế giới, lĩnh hội những kiến thức ưu việt của nhiều nền giáo dục, thầy càng hiểu rõ hơn giá trị của tri thức trong việc hình thành nhân cách của con người. Thầy tâm sự: “Được gần gũi thế hệ trẻ là một niềm hạnh phúc. Bên các em, ta thấy lòng mình trong sáng hơn; mọi suy nghĩ nhỏ bé, mọi toan tính thấp hèn đều tan biến”. Tôi luôn dạy các em: “Đam mê, Học hỏi, Tự tin và Hợp tác là Chìa khóa của Thành công”. Làm việc gì cũng phải đam mê, phải tự tin vào khả năng của chính mình. Bởi tự tin là bản lĩnh của những người rất hiểu những điều mình đang làm. Mặt khác, nếu biết hợp tác với đồng nghiệp thì chắc chắn những gì các em mong muốn sớm hay muộn cũng sẽ thành công.
Hơn 30 năm với nghề, trưởng thành trong chuyên môn và kinh nghiệm quản lý, thầy được sự tín nhiệm và tin yêu của mọi người. Và năm 2000 thầy được đảm nhiệm một trọng trách mới là Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP.HCM. Dù ở cương vị nào thầy vẫn được đồng nghiệp ngưỡng mộ, học trò kính trọng bởi lối sống giản dị, luôn trau dồi đạo đức tác phong, không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực công tác lãnh đạo của mình. Trở thành Giám đốc Sở Khoa học, trước những thử thách mới, càng thôi thúc thầy nỗ lực vươn lên. Thầy đã tích cực học hỏi người đi trước đồng thời tìm ra cho mình phương pháp quản lý điều hành đạt hiệu quả cao nhất. Chính những những năm tháng ấy là đã hình thành một nhà quản lý xuất sắc và là bước khởi đầu thành công đưa thầy đến với cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn năm 2006.
Hoạt động giáo dục là một hoạt động mang tính bản chất xã hội, các giá trị ưu tú của nền giáo dục luôn phát triển và thay đổi theo thời gian. Hơn ai hết, thầy thấu hiểu điều đó và luôn trăn trở tìm giải pháp để đem lại một môi trường giáo dục thật tốt cho sinh viên của mình. Và không chỉ là khát vọng, qua cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp, thầy đã dần khẳng định rằng: Hễ làm việc gì có cái Tâm thì nhất định sẽ tìm ra con đường đến đích tốt nhất.
Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn hay còn gọi tắt là STU đã đi được hành trành 18 năm, đây không phải là chặng đường dài nhưng là quãng thời gian đủ để chúng ta có thể ghi nhận những thành quả bước đầu, đánh dấu một mốc son cho sự phát triển bứt phá của STU. Trong báo cáo khoa học của Viện Nghiên cứu Giáo dục TP.HCM tháng 8/2012 đã ghi nhận: “Hiệu trưởng STU - GS.TS. Đào Văn Lượng là một nhà lãnh đạo có uy tín cá nhân và uy tín chuyên môn trong giới học thuật tại Tp.HCM cũng như cả nước. Với uy tín của mình, GS. Lượng đã giúp đưa STU lên một vị thế mới trong các trường ngoài công lập hiện nay”
Trong vai trò là một giảng viên Đại học, GS.TS Đào Văn Lượng hiểu rằng nghiên cứu khoa học là một hoạt động không thể thiếu, chính vì vậy song song với việc giảng dạy, thầy luôn tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Thầy đã chủ trì và tham gia gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa như chủ trì đề tài cấp Thành phố Hồ Chí Minh: “Nghiên cứu khả năng sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phế thải công nghiệp ở TP HCM” (1989); “Nghiên cứu tổng hợp điện hóa Benzaldehit từ Toluen” (1990)…Chủ trì đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu công nghệ chế tạo Silicagel dạng viên cầu”, đã đạt kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc (1995)”; “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng lão hóa polymer bằng kết hợp thực nghiệm và computer”…
Với GS.TS Đào Văn Lượng, làm khoa học không chỉ thỏa niềm đam mê nghiên cứu, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy, mà còn là việc làm có ý nghĩa, thiết thực phục vụ thực tiễn. Khi đương nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường TP. Hồ Chí Minh, GS.TS Đào Văn Lượng đã đưa lực lượng khoa học công nghệ tham gia vào Chương trình “Hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập”. Là Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin Thành phố, thầy đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển công nghệ thông tin thành phố và xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung. Đặc biệt, thầy rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường sống. Thầy tâm niệm rằng: “Phải làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành Tâm Đạo của nhân loại”. Thầy giải thích thêm: “Phải hiểu Tâm Đạo là Đạo từ Trái tim, Đạo trung tâm. Càng ngày, vai trò của môi trường càng trở nên quan trọng đối với cuộc sống của nhân loại. Tất cả mọi người phải tôn thờ và tu theo Tâm Đạo để bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và cho các thế hệ mai sau. Làm cho môi trường sống ngày càng tươi đẹp hơn – điều đó phải trở thành tâm nguyện chi phối mọi hoạt động của mỗi con người ở mọi nơi, mọi lúc”. Qua những suy nghĩ, những hành động đó của thầy, ta thấy được tấm lòng của một nhà giáo, một nhà khoa học cao quý đến nhường nào!
Thầy đã viết rất nhiều bài báo được đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước… Bên cạnh đó, thầy còn viết nhiều sách, giáo trình như: giáo trình Hóa Lý, giáo trình Nhiệt động hóa học...
Không khó hiểu khi GS.TS Đào Văn Lượng vừa là một người thầy, vừa là nhà khoa học, vừa là nhà quản lý nhưng ít ai ngờ rằng thầy còn là một nhà thơ với bút danh Văn Liêm. Là Hội viên Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh, thầy đã xuất bản hai tập thơ “Nỗi nhớ mênh mang”, “Bờ bến bình yên” và rất nhiều bài thơ khác đã được đăng trên các báo, cũng như nằm trong các tập thơ chung của Hội Nhà văn. Thơ thầy cũng đã được đài truyền hình HTV - TP. Hồ Chí Minh truyền tải trong Chương trình Thơ Văn Liêm “Tri thức tạo nên giọng thơ hiện đại”. Đọc thơ thầy, ta dễ dàng cảm nhận được tình yêu con người, yêu thiên nhiên. Thơ thầy nhân ái, đầy xúc cảm của một nhà khoa học, một nhà giáo sống nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu con người.
Cả đời, thầy đã rất tâm đắc và sống theo câu thơ mà thầy đã viết:
Mỗi con người chỉ có một trái tim
Sống nhân ái sẽ được nhiều hơn mất!
Thầy từng tâm sự: “Trong tôi chỉ có 10% kiến thức công nghệ, 10% kiến thức quản lý và còn lại 80% kiến thức là nhân văn. Tôi xem thơ không chỉ là một thú vui trí tuệ để lấy lại cân bằng trong cuộc sống, mà còn là để giãi bày lòng mình, chia sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp. Thơ mang sức mạnh tiềm ẩn; Thơ có khả năng lách vào những chỗ sâu kín nhất của tâm hồn, làm khơi dậy những giá trị nhân bản và làm thui trột đi những ham muốn thấp hèn. Vì vậy, thơ không chỉ có giá trị thẩm mỹ, mà còn có giá trị giáo dục. Thơ góp phần làm đẹp cho đời”.
Một nhành non cho trời thêm xanh biếc,
Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn!
Trong suốt cuộc đời mình thầy luôn sống nhân văn, luôn nghĩ và hành động nhân văn để có thể mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con người, cho đất nước. Chính vì những điều tưởng chừng đơn giản ấy mà thầy đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng mọi người, nhận được rất nhiều tình thương yêu từ các thế hệ học trò và các đồng nghiệp.
Thay lời kết là một đoạn thơ của GS.TS. Đào Văn Lượng (Nhà thơ Văn Liêm):
Cuộc đời người chỉ cháy một lần
Đừng leo lết lụi tàn khi đông đến
Ta muốn đốt tim ta thành ngọn nến
Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh…
Sach “Chuyện Người Giáo Viên Nhân Dân” - 6/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét