THƠ và ĐỜI

THƠ và ĐỜI

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

CHÁY ĐẾN KIỆT CÙNG GIỌT SÁP LONG LANH (Tạp chí TÀI HOA TRẺ)


GS.TS. ĐÀO VĂN LƯỢNG  
"Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh !"

Bình dị và sâu sắc, khác với vẻ khô khan thường có ở những người làm khoa học, GS.TS Đào Văn Lượng mang lại cho tôi cảm giác gần gũi khi tiếp xúc và trò chuyện với thầy. Trong những câu chuyện về cuộc sống, các giá trị văn hóa, giáo dục hay khoa học, lĩnh vực nào thầy cũng để lại nơi tôi một cái nhìn ngưỡng mộ về sự uyên bác và thâm thúy. Song, điều khiến tôi cảm nhận rõ nhất ở thầy là một tình yêu bỏng cháy, đó cũng chính là tâm huyết của một nhà giáo, một nhà khoa học với nền giáo dục nước nhà.

Lý tưởng của tuổi trẻ:

Nhắc đến GS.TS Đào Văn Lượng, có lẽ nhiều người trong giới không chỉ biết đến thầy ngoài vai trò của một nhà khoa học, một nhà quản lý, một người thầy tâm huyết với nghề mà còn là một nhà thơ thứ thiệt, một người yêu văn chương, nặng duyên với nghiệp trồng người. Vì vậy,  bất cứ vai trò và công việc nào, tính nhân văn, giá trị chân-thiện-mỹ đều hòa quyện trong từng suy nghĩ và hành động của thầy.
Xuất thân trong một gia đình trí thức nghèo ở Hải Phòng, hơn ai hết thầy luôn ý thức và hiểu rằng, chỉ có con đường học và học thật tốt thì mới thoát khỏi sự khốn khó trong từng bữa ăn. Sinh ra trong thời chiến, giai đoạn mà đất nước đang chìm đắm trong khói lửa chiến tranh, việc học của thầy cũng như bao thanh niên thời đó là cả một chặng đường dài gian khổ, xuyên suốt theo hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Là anh cả trong một gia đình có sáu anh em, bố lại đi hoạt động cách mạng nên ngay từ nhỏ ngoài truyền thống dấn thân cho cách mạng, thầy còn có tính tự lập rất cao. Dù sự học hồi đó là những chuỗi ngày chạy sơ tán, những lần chui hầm học chữ trong khói, đạn của quân thù, nhưng hoài bão về một tương lai được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau đã thấm sâu vào ý thức và cháy bỏng trong khát vọng của thầy.
Hiền lành nhưng có cá tính mạnh mẽ, đam mê khoa học nên ngay sau khi tốt nghiệp THPT với thành tích loại ưu, cậu sinh viên tên Lượng đã khăn gói, xa gia đình để theo học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Xa nhà, mọi thứ đều phải tự lập trong khi miền Bắc đang vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh (1964-1968), nên thật dễ hiểu, ngoài những giờ học đầy nhọc nhằn theo những đợt sơ tán  miền núi Thái Nguyên, cậu sinh viên tên Lượng ấy cũng đã lao vào hoạt động Đoàn thanh niên với những cuộc xuống đường biểu tình chống đế quốc xâm lược, đòi thống nhất đất nước. Và như lời thầy nói, chính trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và khổ cực ấy, đã hun đúc trong thế hệ thanh niên thời ấy một tinh thần quất cường dân tộc, luôn vượt khó với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai của dân tộc. Ngày đó thanh niên chỉ có hai con đường là hăng hái nhập ngũ bảo vệ tổ quốc và học tập, rèn luyện với những đam mê ngút trời.
Đam mê khoa học, muốn mang lại một điều gì đó mới mẻ từ chính kiến thức mà mình đã tích lũy được nên sau khi tốt nghiệp, được giữ lại làm giảng viên đại học, thầy vẫn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu những thuyết và thực nghiệm mới trong lĩnh vực Hóa . Để rồi năm 1976, thầy được cử đi nghiên cứu sinh ở CHDC Đức với đề tài “Mô hình hóa các quá trình hóa học bằng lý thuyết xác suất và tin học. Chỉ sau một tuần tự mày mò học hỏi thấy đã sử dụng thành công phương pháp lập trình. Sự thành công ban đầu ấy cùng những thành tựu nghiên cứu mà thầy đạt được khi làm nghiên cứu sinh ở Đức đã khiến nhà trường, viện nghiên cứu bên đó muốn níu giữ thầy lại để làm việc và tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, thầy đã từ chối để về nước thực hiện những ước mơ, hoài bảo của mình bằng chính những gì đã học hỏi, tích lũy sau hơn 3 năm lang bạt xứ người. Thầy tâm sự: “Thời gian học tập, nghiên cứu bên đó tôi luôn mang trong mình một mặc cảm về thân phận của một kẻ đi học nhờ, ở đậu. Dù các chính sách đãi ngộ của bạn là rất tốt, nhưng với tôi, quê hương vẫn là một điều gì đó rất thiêng liêng. Nước mình còn quá nghèo, tôi muốn được làm việc để góp phần làm bớt đi một chút nghèo, tôi muốn trả ơn những gì tôi có được, và đơn giản bởi tôi thấy rằng, trách nhiệm của một công dân là phải phục vụ đất nước mình, dân tộc mình”.

Và khát vọng được cống hiến:

Với những dự định đã hình thành sẵn trong đầu, nên năm 1980 sau khi trở về nước, thầy liền trở lại với công tác giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Dù cuộc sống những năm tháng sau giải phóng là muôn vàn gian khó, nhưng chưa bao giờ thầy cảm thấy hối tiếc cho quyết định trở về phục vụ đất nước của mình. Gần 30 năm đứng trên bục giảng, kinh qua nhiều vị trí công tác từ vai trò người thầy đến vai trò là người quản lý, tất cả những gì GS.TS Đào Văn Lượng làm đều mang cái tâm của một nhà giáo. Thầy không chỉ tận tình chỉ bảo, hướng dẫn sinh viên khám phá những điều mới mẻ của chân trời khoa học, giúp sinh viên hiểu hơn giá trị của sự thành công, mà còn là người cha mẫu mực để các em lấy đó làm điểm tựa cho hành trình tương lai của mình.
Có điều kiện đi nhiều nước trên thế giới, lĩnh hội những kiến thức ưu việt của nhiều nền giáo dục, thầy hiểu rõ giá trị của tri thức trong việc hình thành nhân cách một con người. Vì lẽ đó, với thầy việc chuyển giao tri thức cho thế hệ trẻ là trao cả khối óc, con tim và nhiệt huyết. Cũng chính vì thế, suốt quá trình làm công tác giảng dạy hay quản lý, thầy không ngừng tìm kiếm cơ hội cho sinh viên mình được mở mang kiến thức. Thầy tâm sự: “Gần gũi thế hệ trẻ là một niềm hạnh phúc. Bên các em, ta thấy lòng mình trong sáng hơn; mọi suy nghĩ nhỏ bé, mọi toan tính thấp hèn đều tan biến. Do đó, tôi luôn dạy các em phải biết sống nhân ái, phải đam mê và tự tin vào khả năng của chính mình. Bởi tự tin là bản lĩnh của những người rất hiểu những điều mình đang làm. Mặt khác, nếu biết hợp tác với đồng nghiệp thì chắc chắn những gì các em mong muốn sớm hay muộn cũng sẽ thành công”.
Là một con người luôn làm việc với tinh thần cống hiến, tất cả vì các giá trị chung của xã hội, nên khi trở thành giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP.HCM (năm 2.000) rồi trở thành hiệu trưởng trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn (năm 2006)… thầy luôn cố gắng làm thật tốt vai trò của người “gieo chữ”. Hoạt động giáo dục là một hoạt động mang tính bản chất xã hội, các giá trị ưu tú của nền giáo dục luôn phát triển và thay đổi theo thời gian. Hơn ai hết, thầy thấu hiểu điều đó và luôn trăn trở tìm giải pháp để đem lại một môi trường giáo dục thật tốt cho học sinh của mình. Và không chỉ là khát vọng, qua thực tế những gì mà Trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn (STU) đang có được, thầy đã dần khẳng định rằng: Hễ làm việc gì có cái Tâm thì nhất định sẽ tìm ra con đường đến đích tốt nhất. Thầy chia sẻ: Trong Chương trình 500 doanh nhân tiêu biểu của Châu Á, đài truyền hình Kenjya TV Nhật bản đã phỏng vấn: Ông nói gì với thế hệ trẻ? Tôi chỉ trả lời ngắn gọn: “Đam mê, Học hỏi, Tự tin và Hợp tác là chìa khóa của thành công”. Câu trả lời ngắn ngọn, nhưng nội hàm thì mênh mông, rộng lớn vô cùng, tôi muốn học sinh của tôi hiểu được triết lý sống dẫn đến thành công phải hội đủ cả trí tuệ lẫn phẩm chất. Điều đó tôi đã đúc rút như một phương châm sống sau chặng đường dài đã trải qua.


Làm nghề giáo, sống vì nghề giáo nên thầy luôn giản dị trong từng lời ăn, nếp nghĩ. Đơn giản hóa từng hành động để gần gũi hơn với học trò của mình. Suốt bốn mươi năm, một hành trình không mỏi mệt của nghiệp trồng người, với bao thăng trầm của cuộc sống, thầy vẫn luôn hướng đến những giá trị đẹp nhất, lung linh nhất của đạo làm thầy. Trong tập thơ riêng “Bờ bến bình yên”, thầy từng viết

           “Ta muốn đốt tim ta thành ngọn nến. 
             Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh”. 

Hai câu thơ ngắn gọn, nhưng chứa đựng cả một tuyên ngôn cho con đường mà thầy đã chọn và dấn thân.


Việc làm thơ ở một người làm khoa học, giảng dạy và quản lý có lẽ là điều hơi hiếm. Nhưng với thầy, thơ là một góc rất đặc biệt trong tâm hồn và cuộc sống của thầy. Bởi mỗi khi cảm thấy cõi lòng có những ưu tư, thầy lại tìm về một góc nhỏ của riêng mình. Thầy làm thơ để vơi đi gánh nặng của những trăn trở đời thường và cũng là để tâm hồn mình được thanh thản, bình yên. Thầy từng viết trong tập thơ “Bờ bến bình yên”:
Trong bộn bề một ý thơ chợt đến, 
Làm dịu đi những trăn trở đời thường.
Một nhành non cho trời thêm xanh biếc, 
Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn.
Chia sẻ với tôi về thơ, thầy tâm sự: “Tôi xem thơ không chỉ là một thú vui trí tuệ để lấy lại cân bằng trong cuộc sống, mà còn là để giãi bày lòng mình, chia sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp. Thơ có sức mạnh ghê gớm: Thơ có khả năng lách vào những chỗ sâu kín nhất của tâm hồn, làm khơi dậy những giá trị nhân bản và làm thui trột đi những ham muốn thấp hèn. Vì vậy, thơ không chỉ có giá trị thẩm mỹ, mà còn có giá trị giáo dục. Thơ góp phần làm đẹp cho đời”.
Giờ đây, không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã đi qua, bao nhiêu khách đi thuyền đã tới bến bờ thành công và hạnh phúc… Cuộc sống vẫn tiếp tục trôi đi, và thầy vẫn ngày ngày lặng thầm nơi bến sông, để đưa tiếp những chuyến đò về bến. Hạnh phúc của thầy có lẽ chỉ đơn giản là vậy.


Khi đã đi gần hết con đường, những hoài vọng và khát khao cống hiến của thầy hâu như đã trọn vẹn. Song, trong thầy, nhiệt huyết vẫn còn nóng bỏng để hoàn thành ước nguyện “cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh”!

                                           Anh Tú
                                             Báo Tuổi trẻ 























Đặc san "Viên phấn & Bục giảng" của Tạp chí Tài Hoa Trẻ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét