Đam mê – Học hỏi – Tự tin – Hợp tác
là Chìa khòa thành công !
Trong Chương trình 500 doanh nhân tiêu biểu của Châu Á, đài truyền hình Kenjya TV Nhật bản phỏng vấn: “Ông nói gí với thế hệ trẻ?”.
GS. Đào Văn Lượng đã trả lời: “Đam mê, Học hỏi, Tự tin và Hợp tác là chìa khóa của thành công”.
Đam mê – Học hỏi
Quê ở Hải Phóng nhưng GS.TS. Đào Văn Lượng sinh ra ở Sài Gòn trong những ngày Nam Bộ kháng chiến. Suốt theo chiều dài cuộc kháng chiến chống Pháp, ông theo gia đình đi tản cư và phải học tập trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn. Khi Mỹ mở rộng chiến tranh, đánh phá miền Bắc, ông theo trường đại học đi sơ tán ở vùng núi Thái Nguyên, phải học tập trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, nhiều ngày trời lạnh thấu xương, bụng đói cồn cào mà vẫn phải lên lớp; để tránh bom đạn, lớp học và phòng thí nghiệm phải năm sâu dưới lòng đất. Tuy vây, niềm đam mê đã gniúp thế hệ của ông vượt qua tất cả để học tập tốt. Đam mê tìm tòi và ham học hỏi nên ông luôn là một sinh viên xuất sắc. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã có ước mơ được đứng trên bục giảng để truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ sau.
Năm 1980, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đức, ông trở về giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã làm Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, rồi làm Trưởng Ban Đào tạo Sau đại học của Đại học Quốc gia TP. HCM. Sau thời gian làm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, ông được mời về làm Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho đến nay.
Với những thành tích về đào tạo và nghiên cứu khoa học, ông đã được Nhà nước phong học hàm Giáo sư Hóa học năm 2002.
Tự tin – Hợp tác
Phải xa nhà từ khi còn đi học phổ thông nên đã hình thành trong GS.TS. Đào Văn Lượng một tính tự lập rất cao. Ông thường dậy sinh viên: “Phải tự tin vào bản thân mới nên người” và “Tự tin là bản lĩnh của những người rất hiểu những điều mình đang lam”. “Song, muốn tự tin phải nắm vững kiến thức và bắt bộ não phải luôn làm việc năng động trước mọi tình huống. Tuy vậy, mỗi người không thể tự làm được mọi việc, nên phải hợp tác với nhau. Khi khoa học - công nghê phát triển, mọi sản phẩm đều là tổ hợp của nhiều ngành, nên phải có sự phối hợp nhiều chuyên gia mới tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao”.
HÒA – Phương châm xử lý mọi công việc
Trong phòng làm việc của GS. Hiệu trưởng Đào Văn Lương có treo một bức thư pháp với chữ “HÒA” làm tâm điểm. Ông giải thích: “Hòa nằm trong nghĩa của câu Thiên thời - Địa lới - Nhân hòa”. “Hòa là phương châm xử lý mọi mối quan hệ, tập hợp mọi nguồn lực để đạt mục tiêu cao nhất”. Và quả thực, ông luôn vận dụng phương châm này trong công việc, trên các cương vị mà ông đã trải nghiệm để đạt kết quả tốt nhất.
Bảo vệ môi trường phải trở thành Tâm đạo của nhân loại:
Khi làm Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ & Môi trường TP. Hồ Chí Minh, GS.TS. Đào Văn Lượng đã đưa lực lượng khoa học công nghệ tham gia vào Chương trình “Hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập”. Là Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo chỉ đạo công nghệ thông tin Thành phố, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển công nghệ thông tin và xây dựng Công viên Phân mềm Quang Trung. Đặc biệt, ông rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường sống. Ông tâm đắc: “Phải làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành TÂM ĐẠO của nhân loại”. Và ông giải thích thêm: “Phải hiểu Tâm Đạo là Đạo từ trái tim, Đạo trung tâm. Càng ngày vai trò của môi trường càng trở nên quan trọng đối với cuộc sống của nhân loại. Tất cả mọi người phải tôn thờ và tu theo Tâm Đạo để bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và cho các thế hệ mai sau. Làm cho môi trường sống ngày càng tươi đẹp hơn – điều đó phải trở thành tâm nguyện chi phối mọi hoạt động của mỗi con người ở mọi nơi, mọi lúc”.
Nhà thơ Văn Liêm với tâm niệm “Sống nhân ái được nhiều hơn mất”
Không khó hiểu khi một nhà khoa học vừa là một nhà quản lý, một con người sống nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu đồng loại lại là một nhà thơ. Nhưng ít ai ngờ rằng GS.TS. Đào Văn Lượng là một nhà thơ “thứ thiệt” có bút danh Văn Liêm - hội viên hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh, với hai tập thơ “Nỗi nhớ mênh mang”, “Bờ bên bình yên” và đã có nhiếu thơ đăng trên các báo, trong các tập thơ chung của Hôi Nhà văn.
Ông viết:
“Ta muốn đốt tim ta thành ngọn nến
Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh”,
“Tôi chọn nghề này khi còn trẻ lắm
Tuổi đôi mươi vươn cánh vào đời
Nghề nào cũng có nỗi buồn, cũng có niềm vui
Cũng trăn trở giữa lẽ đời, lẽ đạo”,
“Tình yêu nào không có thương đau
Không khắc khoải những tháng ngày chờ đợi
Không trải qua những năm dài buồn tủi
Để suốt đời thương nhớ cho nhau”
và “Về bên em tâm hồn anh dịu lại
Em là bờ bến bình yên”.
Thơ ông đã được đài truyền hình HTV của TP. Hồ Chí Minh truyền tải trong Chương trình Thơ Văn Liêm “Tri thức tạo nên giọng thơ hiện đại”. Quả thực Thơ là người: Thơ ông nhân ái, đầy xúc cảm của một nhà khoa học, một nhà giáo yêu thiên nhiên, yêu con người. Ông tâm sự: “Trong tôi chỉ có 10% kiến thức công nghệ, 10% kiến thức quản lý và còn lại 80% kiến thức là nhân văn”.
Với những kiến thức cuộc sống đó ông đã thành công trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Cuộc sống của ông thật phong phú, đa dạng và đầy ý nghĩa; có thể nói, trong lĩnh vực nào ông cũng đam mê và thành công. Là một người thầy mẫu mực, thương yêu và tận tụy với sinh viên. Ông thường chia sẻ: “Mỗi con người chỉ có một trái tim/ Sống nhân ái sẽ được nhiều hơn mất”; chính vì vậy ông đã có được cái quý nhất cuộc đời là tình thương yêu của các thế hệ học trò và các đồng nghiệp. Ông tâm sự: “Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời tôi”.
Báo Doanh Nhân
Báo Doanh Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét