GIÁO SƯ, TIẾN SĨ ĐÀO VĂN LƯỢNG –
TÂM HUYẾT XÂY DỰNG VĂN HÓA TRƯỜNG HỌC
Văn hóa học đường là vấn đề đã được ngành giáo dục nước ta nỗ lực xây dựng từ lâu. Thế nhưng việc xây dựng nét văn hóa riêng của mỗi trường học lại là chuyện hiếm thấy dù nó hết sức cần thiết, nhất là ở bậc đào tạo đại học. Tại các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, việc xây dựng nét văn hóa riêng của các trường song song với việc thực hiện đúng quy chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đã mang lại những thành công và danh tiếng cho mỗi trường.
Nhạy bén và năng động hội nhập với nền giáo dục thế giới, năm 2013, trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn (STU) đã triển khai Cuộc vận động xây dựng VĂN HÓA STU, đưa nhà trường lên một tầm cao mới bằng chính tâm huyết, sự gương mẫu và chủ trì thực hiện của GS.TS Đào Văn Lượng – Hiệu trưởng nhà trường.
Để có cái nhìn sâu hơn về giá trị của nét văn hóa riêng trong trường học, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thú vị cùng GS, TS Đào Văn Lượng – người được biết đến với vai trò tiên phong xây dựng văn hóa trong môi trường giáo dục đại học Việt Nam.
* Thưa Giáo sư, ông nhìn nhận như thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng nét văn hóa riêng của mỗi trường học?
- GS,TS Đào Văn Lượng: Trước hết, chúng ta cần trả lời câu hỏi: “Văn hóa là gì”? Câu hỏi rất đơn giản, nhưng theo thống kê có tới hơn 600 cách trả lời khác nhau. Theo Bác Hồ: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi sinh tồn”. Với tôi, hiểu một các đơn giản, văn hóa là những giá trị tốt đẹp hình thành trong tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, nó được cộng đồng chấp nhận và tự giác bảo tồn để truyền lại cho các thế hệ sau, nó mang những đặc trưng tốt đẹp và ghi dấu ấn của mỗi cộng đồng.
Do đó, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị, mỗi doanh nghiệp, mỗi trường học… bên cạnh việc tôn trọng các giá trị văn hóa chung, cũng cần xây dựng và duy trì những giá trị tốt đẹp đặc trưng cho đơn vị mình, điều này sẽ tạo nên một truyền thống đoàn kết, thống nhất mọi thành viên, cùng tự giác phấn đấu để đưa đơn vị phát triển, góp phần xây dựng uy tín, thương hiệu của tổ chức, đơn vị mình.
Có thể thấy, văn hóa giữ một vai trò quan trọng trong mọi môi trường sống và làm việc, nhất là ở trường học. Bởi vì ở đây, các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên được thể hiện rất rõ ràng và sống động, nó thể hiện cụ thể qua mối quan hệ giữa thầy với trò, trò với trò, trò với người phục vụ… Xây dựng văn hóa trong nhà trường là xây dựng những chuẩn mực về nhân cách, đạo đức, năng lực của người thầy, của sinh viên, chống lại lối sống tiêu cực, góp phần tích cực vào hiệu quả giáo dục toàn diện của nhà trường, giúp cho sinh viên vừa “Giỏi về chuyên môn” vừa phải “Sáng về tâm đức”…
*Xin Giáo sư cho biết khởi nguồn của việc xây dựng văn hóa STU?
- GS.TS. Đào Văn Lượng: Tôi đã quan tâm đến vấn đề văn hóa rất lâu rồi, từ lúc còn là giảng viên của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Đây là vấn đề rất cần thiết trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và càng cần thiết hơn với môi trường học đường. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền văn hóa toàn cầu, chúng ta càng phải cấp thiết xây dựng nét văn hóa, bản sắc riêng của mình để chủ động hòa nhập; chúng ta cần học hỏi các nền văn hóa của nhân lại, đồng thời phát huy, hoàn chỉnh nền văn hóa dân của tộc mình. Tôi tin rằng, từ nửa cuối của thế kỷ 21, sự cạnh tranh toàn cầu sẽ càng gay gắt hơn, và yếu tố quyết định sự thành bại của một dân tốc sẽ là yếu tố văn hóa.
Căn cứ vào chiến lược phát triển của STU, chúng tôi cần phải xây dựng VĂN HÓA STU với mục tiêu: Ươm mầm, nuôi dưỡng, phát triển và duy trì các giá trị truyền thống tốt đẹp của STU. Nó bao gồm một hệ thống các giá trị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo như: Văn hóa tuân thủ luật pháp; văn hóa quan hệ Thầy - Trò - Người phục vụ; văn hóa trách nhiệm; văn hóa hợp tác; văn hóa trong giao tiếp; văn hóa trung thực; văn hóa tự tin, năng động; văn hóa thu hút, đãi ngộ và tôn vinh người tài; văn hóa trên mạng ảo, mạng facebook; văn hóa xây dựng và phát huy truyền thống STU… Công cuộc xây dựng văn hóa STU sẽ được nhà trường tiến hành thường xuyên, liên tục, từ thế hệ này qua thế hệ khác, để văn hóa STU ngày càng hoàn thiện và trở thành niềm tự hào của các thế hệ STU.
* Cụ thể văn hóa STU được thể hiện như thế nào, thưa giáo sư?
- GS.TS. Đào Văn Lượng: Văn hóa STU được xây dựng trên nền tảng “Trường học là môi trường tự do nhất cho các ý tưởng khoa học bay bổng và biến nó thành hiện thực”; vì theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt “Tự do sinh ra con người”, chính vì có tự do, con người mới giám nghĩ, giám ước mơ, dấn thân để tìm ra cái mới, tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển của xã hội. Phải xây dựng được một môi trường, trong đó “Con người STU” được tự do trong suy nghĩ, tự do ước mơ, tự do trong thực hiện các ý tưởng… nhưng tự do đó phải trong khuôn khổ của luật pháp, trong những quy định của cộng đồng... Có thể tóm tắt, Văn hóa STU được thể hiện qua các tiêu chí:
Văn hóa tuân thủ luật pháp (đây là văn hóa cao nhất): Tự giác tuân thủ pháp luật của Nhà nước, thực hiện các quy chế chung của Bộ, các cam kết, các quy chế của Nhà trường… Tôn trọng những quy định chung là thể hiện sự văn minh, lịch sự; “tôn trọng mọi người chính là tôn trọng bản thân”...
Văn hóa quan hệ “Thầy - Trò - Người phục vụ” trong đó Trò là trung tâm của quá trình đào tạo; Cần tạo ra một cơ chế tương hỗ vì một mục tiêu chung là nâng cao chất lượng đào tạo.
Văn hóa trách nhiệm: Trách nhiệm với bản thân, với tập thể và với cộng đồng: thực hiện tự giác các quy chế, quy định và các cam kết: văn hóa đúng giờ, thực hiện nghiêm túc đề cương giảng dạy, học tập...
Văn hóa trung thực: đây là nét văn hóa mang tính nguyên tắc trong hoạt động khoa học và đào tạo. Cần trung thực trong học tập, thi cử, NCKH...
Cần trung thực trong đưa thông tin hay còn gọi là “PR sạch”. Đây là một khái niệm được nhiều nhà báo, nhà quản lý giáo dục thú vị và đánh giá cao. “PR sạch” có nghĩa là giới thiệu về cái đẹp của trường mình một cách trung thực. Giá trị của STU chỉ thực sự vững bền khi người ta biết thực chất về trường. Tất nhiên chúng ta có thể nói về những điểm mạnh của nhà trường, kể cả những dự định trong tương lai, tuy nhiên phải cụ thể, có cơ sở, phải có quá trình thực hiện để đạt mục tiêu đó và không phải là ảo tưởng. Mỗi thông điệp PR như là một cam kết và sinh viên có thể cảm nhận được ngay khi đặt chân đến STU.
Văn hóa hợp tác (Team-work): hỗ trợ lẫn nhau trong giảng day, học tập, nghiên cứu và trong cuộc sống…;
Văn hóa ứng xử trong giao tiếp, văn hóa giải quyết mâu thuẫn nội bộ, văn hóa thân thiện, “văn hóa nụ cười”...
Từ hệ thống tiêu chí trên, trong quá trình vận động, tương tác, những cái gì tốt đẹp, tự nó sẽ được chọn lọc và tồn tại trở thành nét riêng của STU, chứ không phải do một cá nhân nào quyết định. Ở STU, chúng tôi đã và đang xây dựng một hệ thống giá trị cốt lõi là “Sức trẻ - Trí tuệ - Ước vọng”. Slogan này ngày càng được cán bộ, giảng viên và sinh viên STU cho là phù hợp nhất để mỗi người tự hoàn thiện mình, để STU tồn tại và phát triển bền vững. Bởi vì đó là ba yếu tố cần thiết nhất để con người sống và tự hoàn thiện. Thứ nhất là phải có sức khỏe của tuổi trẻ. Nhưng nếu có Sức trẻ mà không có Trí tuệ thì cũng không thể làm được nhiều, do đó phải trau dồi, nâng cao trí tuệ. Có Sức trẻ, có Trí tuệ mà không có Ước vọng, thì chỉ an phận thủ thường, suốt đời đi làm thuê, không phát huy hết khả năng của mình để vươn lên đỉnh cao của thành công. Do đó, phải có khát vọng, ước mơ vươn lên tầm cao mới để khẳng định giá trị cao nhất của bản thân và đóng góp cho xã hội. Chính Ước vọng sẽ chắp cánh cho ta bay cao, bay xa. Và đó là sự thể hiện văn hóa STU.
* Tại sao là một GS,TS công nghệ nhưng ông lại dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết về vấn đề văn hóa?
- GS.TS. Đào Văn Lượng: Vì dù anh là ai, trình độ như thế nào thì trước hết anh phải là một Con người. Trong cuộc sống và công việc, tôi cố gắng sống nhân ái, sống có văn hóa nên thường được bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh quý mến, tín nhiệm và trao cho những nhiệm vụ “đứng mũi chịu sào”. Lãnh đạo thực chất là “nghệ thuật dùng người”, do đó, phải hiểu biết về con người để có thể phát huy con người một cách hiệu quả nhất – đó chính là sức mạnh của văn hóa. Tôi vẫn thường tâm sự với bạn bè rằng, khối kiến thức của mỗi người được phân bố khác nhau. Trong khối kiến thức của tôi, khoa học công nghệ chiếm khoảng 10%, kiến thức về quản lý khoảng 10%, còn lại 80% là kiến thức về nhân văn. Giá trị lớn nhất của mỗi con người là chất nhân văn:
“Mỗi con người chỉ có một trái tim,
Sống nhân ái sẽ được nhiều hơn mất”
Tôi rất tâm đắc với “bốn trụ cột’’ trong giáo dục thế kỷ 21 của UNESCO, đó là lời giải cho một câu hỏi rất đơn giản nhưng vô cùng quan trọng “Học để làm gi?”. Bốn trụ cột đó là: Learn to know (học để biết), learn to work (học để làm), learn to be (hoc để làm người, để tự khẳng định) và learn to live together (học để chung sống với nhau). Qua đó, chúng ta có thể thấy, bên cạnh kiến thức về KHCN, luôn luôn phải có kiến thức văn hóa và dù làm gì cũng luôn phải đề cao tính nhân văn. Hạnh phúc của tôi là được sống và hoạt động trong môi trường giáo dục, đây là môi trường mà tính nhân văn thể hiện rõ nhất, nó xuyên suốt trong mọi hoạt động, cuộc sống và cả trong đời sống tâm hồn. Điều đó lý giải tại sao tôi đam mê, tâm huyết với vấn đề văn hóa. Và với vai trò là một hiệu trưởng, tôi khao khát truyền đam mê đó đến với sinh viên của mình.
*Vâng, xin chân thành cám ơn giáo sư!
Qua nội dung cuộc trò chuyện với GS,TS Đào Văn Lượng, thiết nghĩ, ngành giáo dục nên tích cực tổ chức những hội thảo để xây dựng nên một chuẩn văn hóa cho giáo dục Việt Nam, để thế hệ trẻ Việt Nam có chung một nền tảng nhân văn, phát triển tốt cả về kiến thức lẫn tâm hồn. Như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Giá trị đáng quý nhất của con người không phải là vật chất mà chính là đời sống văn hóa tinh thần và tình cảm đẹp”.
Lê Tú (Báo Giáo Dục thực hiện)
.
Vài nét về Giáo sư, tiến sĩ Đào Văn Lượng:
Ông sinh ngày 5 - 6 - 1945 tại Sài Gòn, quê hương ở Hải Phòng.
Năm 1968 ông tốt nghiệp cử nhân ngành Hóa lý tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Sau đó tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Hóa lý kỹ thuật tại ĐHTH Kỹ thuật DRESDEN, CHDC Đức.
Khởi nghiệp là giảng viên khoa Hóa trường ĐH CN nhẹ. Sau khi bảo vệ tiến sĩ, ông làm ở Khoa Hóa trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, rồi làm Trưởng Ban Đào tạo Sau Đại học thuộc Đại Học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2000 ông làm Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ & Môi trường TP.HCM.
Năm 2006 cho đến nay ông làm Hiệu trưởng Trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn (STU).
Qua hoạt động và cống hiến, ông được nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:
Bằng khen về thành tích NCKH của Bộ KHCN, Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương vì thế hệ trẻ, Huân chương Lao động hạng 3…
Năm 2013 ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú…
Ngoài những cống hiến về đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm nhiệm nhiều trọng trách trong quản lý, ông còn được biết đến là một nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa với nhiều tập thơ đã xuất bản như: Nỗi nhớ mênh mang, Bờ bến bình yên… Thơ của ông là sợi chỉ xuyên suốt tính nhân văn và tình yêu cái đẹp; ông có nhiều bài thơ hay được bạn bè ưu ái như: Nghề của tôi, Thầy hãy dậy con tôi, Bờ bến bình yên, Biển và em...
Lê Tú (Báo Giáo Dục thực hiện)
Lê Tú (Báo Giáo Dục thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét