BỜ BẾN BÌNH YÊN – Thơ Văn Liêm (*)
ANH KỲ
Nhiều người thường nghĩ rằng, các nhà khoa học khó “se duyên kết tóc” với nàng Thơ. Bởi lẽ, hai cách tư duy hình như không cùng một tần số khi rung động trước cái đẹp trần thế. Nhưng thật ra, sự tưởng tượng bay bổng của thơ đã chắp thêm cánh cho các nhà khoa học tiếp cận với các vấn đề vẫn mang tính chính xác, cụ thể, sáng tạo lại thêm thi vị, bừng sáng, thăng hoa... Hơn nữa họ còn giống nhau ở chỗ: nếu đã đam mê thì đam mê đến cháy bỏng. Tôi nghĩ, trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người đều có nhan sắc của nàng Thơ ngự trị. Nếu ta biết cách đánh thức hồn thơ ấy thì nàng Thơ sẽ hào phóng trao tặng cho chúng ta những cảm xúc tươi rói, đủ sức tạo ra sự đồng cảm với người khác.
Trường hợp của Văn Liêm là một ví dụ khá thuyết phục: Anh tên thật là Đào Văn Lượng, sinh 1945 tại Sài Gòn; từ nhỏ đã ra Bắc, học tập ở quê gốc là Hải Phòng, rồi ở Hà Nội và CHDC Đức; là Giáo sư, Tiến sĩ Hóa Công nghệ của Đại học Quốc gia; rồi làm Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ & Môi trường và là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Văn Liêm đến với thơ bằng cảm xúc hồn nhiên của một người đứng trước thiên nhiên và tình ái. Những quyến rũ nơi ấy đã gợi dậy trong tâm hồn anh những xúc cảm để bật ra tiếng thơ. Không giấu giếm điều này, anh bày tỏ lòng mình thật giản dị:
Trong bộn bề một ý thơ chợt đến
Làm dịu đi những trăn trở đời thường,
Một nhành non cho trời thêm xanh biếc,
Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn.
Đây là thông điệp của cái đẹp mà anh muốn gửi gắm đến mọi người. Trong thơ, anh đã dành gia tài lớn nhất của đời người cho Quê hương và cho Em. Quê hương hiện hữu trong thơ anh chinh phục được tâm hồn người đọc, vì những nơi ấy anh đã từng đến, từng có cảm xúc, từng rung động trước cái đẹp đi về trong trái tim và con mắt của anh. Trong bài Nhớ Hà Nội, anh viết nhẹ nhàng như hơi thở:
Nhớ lắm những chiều thu Hà Nội,
Con phố dài lất phất mưa bay,
Tiếng đàn ai ngân trong ngõ vắng,
Xào xạc bên hè một thoáng heo may…
Với vịnh Hạ Long, Hải Phòng, Huế, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Đồng Tháp, Tây Nguyên… anh cũng có những tứ thơ đằm thắm như vậy:
Muối mặn gọi ta về với biển,
Gió mơn man, biển thở nồng nàn.
Đi bên em trên bờ cát mịn,
Nghe thì thầm Nha Trang! Nha Trang!
Trăng ngoi lên từ sâu thẳm đại dương,
Con sóng bạc mặn mòi tình biển cả,
Nỗi khao khát vỡ oà vào bờ đá,
Biển vụng về chẳng biết ngỏ lời yêu!
Cảnh đồng quê Việt Nam cũng khắc đậm trong thơ anh những nét thật hiền hòa, thân thương, ngọt ngào và thi vị với những mối tình thật giản dị:
Xưa chúng ta còn bé
Thường ra bờ kênh chơi,
Gió chiều về man mác,
Dòng kênh nước đầy vơi…
Anh gấp con thuyền giấy,
Thả theo dòng nước trôi,
Ôi cánh buồm nhỏ xíu,
Mang khát vọng cuộc đời…
Và những câu thơ như kể chuyện cổ tích trong bài Chuyện cây sáo trúc:
Anh kể em nghe chuyện về cây sáo trúc:
“Có chàng trai nhà nghèo
yêu một cô gái đẹp,
Nàng là con một phú hộ rất giàu,
Có lần trốn nhà, tìm gặp người yêu,
Phú hộ bắt nàng về trói lại”
Nếu có phải biến thành cây sáo trúc,
Anh nguyện theo em quấn quýt suốt đời.
Chúng ta đều biết, trong thơ thường có nhạc và trong nhạc đã có chất thơ. Quả vậy, thơ của anh rung động, cộng hưởng và cuốn hút vào dòng nhạc của Đoàn nhạc Dân tộc Phù Đổng:
Cả không gian ngập tràn trong tiếng nhạc,
Kéo ngược dòng lịch sử bốn ngàn năm,
Tiếng trống đồng Ngọc Lũ âm vang,
Tiếng đàn đá giục buôn làng mở hội,
Tiếng voi gầm dội vào vách núi,
Đoàn quân đi đỏ bụi một vùng trời,
Vó ngựa phi dồn dập vọng về xuôi,
Tin thắng trận rộn ràng trong nhịp trống...
Người nghệ sĩ gửi tình vào nốt nhạc,
Tặng cho đời niềm khao khát yêu thương.
Một người bạn học có tài năng âm nhạc mà anh rất ngưỡng mộ, đó là nhạc sĩ Trần Tiến. Anh yêu nhạc Trần Tiến bởi họ cùng có những rung động thật sâu lắng, bình dị và nhân ái:
Lời anh hát có lửa hồng bừng cháy,
Ngọn lửa trong tim, ngọn lửa giữa đời.
Có nụ cười ngộ nghĩnh trên vành môi
Em gái nhỏ gội mưa, say sưa nghe hát.
Có chú bé trèo cành me chót vót,
Mắt mơ màng nghe lời hát bay xa.
... Tiếng hát xoáy vào lòng,
day dứt không nguôi.
Không ai có thể dửng dưng trước tình cảm rất thật, rất đời của anh với những câu thơ vừa cuồng nhiệt, vừa dịu dàng:
Anh yêu em - trời xanh yêu mây trắng,
Anh tìm em như sóng biển tìm bờ,
Sóng dạt dào hôn bờ cát ngây thơ,
Bờ cát mịn ngẩn ngơ niềm hạnh phúc.
Anh yêu em chân thành và giản dị,
Anh cần em - cần em biết nhường nào.
Sự so sánh ở đây vừa có tư duy của thơ, nhưng cũng vừa có cái nhìn chính xác của một nhà khoa học. Có lẽ, nhiều người phụ nữ phải ghen lên, khi thấy thơ anh đã dành hết cho người con gái mà anh đã yêu quá say đắm:
Anh viết cho em những vần thơ,
Những vần thơ như con sóng xô bờ
Mang khát vọng của đại dương bão tố,
Những vần thơ mênh mang thương nhớ,
Những vần thơ chở nặng ưu tư,
Những vần thơ không biết tự bao giờ
Đã cháy rực trong tim anh nóng bỏng.
Ta có cảm nhận rằng, anh viết dễ dàng như lấy một báu vật từ trong túi ra, không dụng công, không khoa trương ngôn ngữ mà bao trùm lên những vần thơ ấy là một cảm xúc chân thành, rung động từ sâu thẳm tâm hồn. Vâng, vượt lên trên chữ nghĩa, điều cốt lõi của thơ vẫn là cảm xúc chân thành, là cái tình đấy chứ:
Mỗi lần em ghé lại,
Thời gian như ngừng trôi
Và tim anh khắc khoải
Nghe thổn thức, bồi hồi.
Nếu em là biển động
Tung ngọn sóng dâng trào,
Anh xin làm bờ đá
Uống cạn tình em trao.
Có điều dễ nhận ra nhất, trong ký ức của Văn Liêm, bao giờ cũng thấy hiện lên bóng dáng vừa hiền lành, quen thuộc, vừa dữ dội, độc đáo về biển. Và ở đâu cũng vậy, hình bóng dịu dàng của một người con gái luôn làm cho biển càng đẹp và đáng yêu hơn. Cái đẹp của biển trời, cùng với cái đẹp của con người khiến anh không thể không viết nên những vần thơ đầy cảm xúc trong bài Ghen với biển:
Em đi xuống tắm biển
Nắng hồng đọng trên môi,
Gió lùa tung mái tóc,
Sóng biển choàng bờ vai,
Anh ghen với ngọn gió
Mơn man làn tóc em,
Anh ghen với tia nắng
Anh ghen với tia nắng
Hôn môi em nồng nàn,
Anh ghen với con sóng
Ôm vai em trắng ngần,
Anh ghen bờ cát mịn
Sưởi ấm bàn chân em,
Anh ghen với trời xanh
Sao ngắm em lâu vậy,
Biển cồn cào sóng dậy
Như lòng anh thương em…
Trong thơ anh, ta thấy có lúc biển hiền hòa như một cô gái nhỏ, lại có lúc tưởng chừng như nghe tiếng sóng biển vang dội, thét gào mãnh liệt:
Ôm em vào lòng, thương em nhiều quá,
Nghe trong tim sóng đã xô bờ.
Em đây rồi mà cứ ngỡ trong mơ,
Anh mới hiểu mình yêu em như biển.
Nếu không yêu bằng cả trái tim của mình, đố ai có thể viết ra được những cảm xúc nồng thắm đến như thế. Đây không phải là điều mà bất cứ ai cũng được nàng Thơ trao tặng cho diễm phúc ấy.
Trong cuộc sống đời thường bận bịu, vất vả, trăn trở có những niềm vui và có cả những nỗi buồn; anh đã nhận ra người vất vả nhất, người có thể chia sẻ tất cả với anh, chính là người vợ thân thiết mà anh đã tri ân trong bài Bờ bến bình yên:
Anh mải lo công việc chung bề bộn,
Còn em – em chỉ biết lo cho anh.
Khi có niềm vui
Anh chia với bè bạn xung quanh,
Còn nỗi buồn, trút cho em tất cả.
Cuộc sống còn quá nhiều vất vả,
Đồng đội có lúc hiểu lầm,
bè bạn có thể hại nhau,
Bàn tay em xoa dịu bớt nỗi đau
Sưởi ấm lòng anh đang tê tái.
Về bên em, tâm hồn anh dịu lại,
Em là bờ bến bình yên!
Có lần anh tâm sự: “Tôi nghĩ rằng, những người yêu thơ và làm thơ có thể chưa thật tốt, chưa thật hoàn hảo, song họ không bao giờ là kẻ xấu, bởi vì những kẻ có tâm địa xấu chẳng bao giờ hiểu được cái hay, cái đẹp, cái nhân ái của thơ”.
Quả thực, thơ Văn Liêm lúc bồi hồi, nhung nhớ, lúc trăn trở, dữ dội, lúc nhẹ nhàng, sâu lắng và nhân ái, chứa chan tình yêu, tình người.
BTV - Đạo diễn ANH KỲ - Tp. HCM 02/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét