THƠ và ĐỜI

THƠ và ĐỜI

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

LỜI GIỚI THIỆU THƠ VĂN LIÊM


 LỜI GIỚI THIỆU
          Của Nhà thơ LÊ MINH QUỐC
                                   Tập thơ NỖI NHỚ MÊNH MANG của VĂN LIÊM
         - NXB TRẺ năm 2000.

Thông thường, mọi người nghĩ rằng, các nhà khoa học khó “se duyên kết tóc” với nàng Thơ. Bởi lẽ, hai tư duy này hình như không cùng một tần số khi rung động trước cái đẹp trần thế. Nhưng thật ra, sự tưởng tượng, trừu tượng của thơ đã góp phần không nhỏ cho các nhà khoa học tiếp cận vấn đề mang tính chính xác, cụ thể. Tôi nghĩ, trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người đều có nhan sắc của nàng thơ ngự trị. Nếu ta biết đánh thức hồn thơ ấy thì nàng thơ sẽ hào phóng trao tặng cho chúng ta những cảm xúc tươi rói, đủ sức tạo sự đồng cảm với người khác.



Trường hợp của Văn Liêm (Anh Đào Văn Lượng, nguyên là GS.TS của Đại học Quốc gia TP. HCM) hiện đang công tác ở Sở KH-CN-MT là một ví dụ khá thuyết phục. Anh đến với thơ bằng cảm xúc hồn nhiên của một người đứng trước thiên nhiên và tình ái. Những quyến rũ nơi ấy đã gợi dậy trong tâm hồn anh những xúc cảm để bật ra tiếng thơ. Không giấu diếm điều này, anh trình bày lòng mình trên trang giấy mới:

Trong bộn bề một ý thơ chợt đến,
Làm dịu đi những trăn trở đời thường,
Một nhành non cho trời thêm xanh biếc,
Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn.  

Có thể ghi nhận đây là “thông điệp” của cái đẹp mà anh muốn gửi gắm đến mọi người. Lấy tựa NỖI NHỚ MÊNH MANG, ta thấy anh đã dành gia tài lớn nhất của đời người cho Quê hương và cho Em. Quê hương hiện hữu trong thơ anh chinh phục được tâm hồn người đọc, vì những nơi ấy anh đã từng đến, từng có cảm xúc thật, từng rung động trước cái đẹp đi về trong trái tim và con mắt của anh. Với Hà Nội, anh viết nhẹ nhàng như hơi thở:

Nhớ lắm những chiều thu Hà Nội,
Con phố dài lất phất mưa bay,
Tiếng đàn ai ngân trong ngõ vắng,
Xào xạc bên hè một thoáng heo may…

Với Vịnh Hạ Long, Hải Phòng, Huế, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Đồng Tháp, Tây Nguyên… anh cũng có những tứ thơ đằm thắm như vậy. Có điều dễ nhận ra nhất, trong ký ức của Văn Liêm, bao giờ cũng thấy hiện lên bóng dáng vừa hiền lành, quen thuộc vừa dữ dội độc đáo về biển. Tôi gập lại tập thơ của anh, tưởng chừng như còn nghe vang dội tiếng sóng thét gào mãnh liệt:
Ôm em vào lòng, thương em nhiều quá
Nghe trong tim sóng đã xô bờ,
Em đây rồi mà cứ ngỡ trong mơ,
Anh mới hiểu mình yêu em như biển…  

Không ai có thể dửng dưng trước tình cảm rất thật, rất đời của anh với những câu thơ vừa cuồng nhiệt, vừa dịu dàng:

Anh yêu em – trời xanh yêu mây trắng,
Anh tìm em như sóng biển tìm bờ,
Sóng dạt dào hôn bờ cát ngây thơ,
Bờ cát mịn ngẩn ngơ niềm hạnh phúc …
Sự so sánh ở đây vừa có tư duy của thơ, nhưng cũng vừa có cái nhìn chính xác của một nhà khoa học. Có lẽ, nhiều người phụ nữ phải ghen lên, khi thấy thơ anh đã dành hết cho một người mà anh đã yêu quá say đắm. Những bài thơ Anh đi tìm em, Em, Anh cần em biết nhường nào, Ghen với biển, Yêu là thơ, Tội của anh… là những bài thơ hoàn chỉnh. Hoàn chỉnh vì trong đó, anh viết dễ dàng như lấy một báu vật từ trong túi ra, không dụng công, không khoa trương ngôn ngữ mà bao trùm lên vần thơ ấy là một cảm xúc chân thành, rung động từ sâu thẳm tâm hồn. Vâng, vượt lên trên chữ nghĩa- điều cốt lõi của thơ vẫn là cảm xúc chân thành, là cái tình đấy chứ !
Em đi xuống tắm biển
Nắng hồng đọng trên môi,
Gió lùa tung mái tóc,
Sóng biển choàng bờ vai,
Anh ghen với ngọn gió
Mơn man làn tóc em,
Anh ghen với tia nắng
Hôn môi em nồng nàn,
Anh ghen với con sóng,
Ôm vai em trắng ngần,   
Anh ghen bờ cát mịn
Sưởi ấm bàn chân em,
Anh ghen với trời xanh
Sao ngắm em lâu vậy,
Biển cồn cào sóng dậy
Như lòng anh thương em…     

Nếu không yêu bằng tất cả trái tim của mình, đố ai có thể viết ra được những cảm xúc nồng thắm đến như thế. Với tập thơ đầu tay, cũng giống như một cầu thủ lần đầu tiên bước ra sân bóng, anh Văn Liêm đã “làm bàn” bằng những cú sút quyết định. Đây không phải là điều mà bất cứ ai cũng được nàng thơ trao tặng cho diễm phúc ấy. Hy vọng qua những tập thơ sau, nàng thơ và anh vẫn còn giữ lại cho nhau mối quan hệ thủy chung này.

                       
                      Nhà thơ LÊ MINH QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét