THƠ và ĐỜI

THƠ và ĐỜI

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

LỜI GIỚI THIỆU THƠ VĂN LIÊM


 LỜI GIỚI THIỆU
          Của Nhà thơ LÊ MINH QUỐC
                                   Tập thơ NỖI NHỚ MÊNH MANG của VĂN LIÊM
         - NXB TRẺ năm 2000.

Thông thường, mọi người nghĩ rằng, các nhà khoa học khó “se duyên kết tóc” với nàng Thơ. Bởi lẽ, hai tư duy này hình như không cùng một tần số khi rung động trước cái đẹp trần thế. Nhưng thật ra, sự tưởng tượng, trừu tượng của thơ đã góp phần không nhỏ cho các nhà khoa học tiếp cận vấn đề mang tính chính xác, cụ thể. Tôi nghĩ, trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người đều có nhan sắc của nàng thơ ngự trị. Nếu ta biết đánh thức hồn thơ ấy thì nàng thơ sẽ hào phóng trao tặng cho chúng ta những cảm xúc tươi rói, đủ sức tạo sự đồng cảm với người khác.



Trường hợp của Văn Liêm (Anh Đào Văn Lượng, nguyên là GS.TS của Đại học Quốc gia TP. HCM) hiện đang công tác ở Sở KH-CN-MT là một ví dụ khá thuyết phục. Anh đến với thơ bằng cảm xúc hồn nhiên của một người đứng trước thiên nhiên và tình ái. Những quyến rũ nơi ấy đã gợi dậy trong tâm hồn anh những xúc cảm để bật ra tiếng thơ. Không giấu diếm điều này, anh trình bày lòng mình trên trang giấy mới:

Trong bộn bề một ý thơ chợt đến,
Làm dịu đi những trăn trở đời thường,
Một nhành non cho trời thêm xanh biếc,
Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn.  

Có thể ghi nhận đây là “thông điệp” của cái đẹp mà anh muốn gửi gắm đến mọi người. Lấy tựa NỖI NHỚ MÊNH MANG, ta thấy anh đã dành gia tài lớn nhất của đời người cho Quê hương và cho Em. Quê hương hiện hữu trong thơ anh chinh phục được tâm hồn người đọc, vì những nơi ấy anh đã từng đến, từng có cảm xúc thật, từng rung động trước cái đẹp đi về trong trái tim và con mắt của anh. Với Hà Nội, anh viết nhẹ nhàng như hơi thở:

Nhớ lắm những chiều thu Hà Nội,
Con phố dài lất phất mưa bay,
Tiếng đàn ai ngân trong ngõ vắng,
Xào xạc bên hè một thoáng heo may…

Với Vịnh Hạ Long, Hải Phòng, Huế, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Đồng Tháp, Tây Nguyên… anh cũng có những tứ thơ đằm thắm như vậy. Có điều dễ nhận ra nhất, trong ký ức của Văn Liêm, bao giờ cũng thấy hiện lên bóng dáng vừa hiền lành, quen thuộc vừa dữ dội độc đáo về biển. Tôi gập lại tập thơ của anh, tưởng chừng như còn nghe vang dội tiếng sóng thét gào mãnh liệt:
Ôm em vào lòng, thương em nhiều quá
Nghe trong tim sóng đã xô bờ,
Em đây rồi mà cứ ngỡ trong mơ,
Anh mới hiểu mình yêu em như biển…  

Không ai có thể dửng dưng trước tình cảm rất thật, rất đời của anh với những câu thơ vừa cuồng nhiệt, vừa dịu dàng:

Anh yêu em – trời xanh yêu mây trắng,
Anh tìm em như sóng biển tìm bờ,
Sóng dạt dào hôn bờ cát ngây thơ,
Bờ cát mịn ngẩn ngơ niềm hạnh phúc …
Sự so sánh ở đây vừa có tư duy của thơ, nhưng cũng vừa có cái nhìn chính xác của một nhà khoa học. Có lẽ, nhiều người phụ nữ phải ghen lên, khi thấy thơ anh đã dành hết cho một người mà anh đã yêu quá say đắm. Những bài thơ Anh đi tìm em, Em, Anh cần em biết nhường nào, Ghen với biển, Yêu là thơ, Tội của anh… là những bài thơ hoàn chỉnh. Hoàn chỉnh vì trong đó, anh viết dễ dàng như lấy một báu vật từ trong túi ra, không dụng công, không khoa trương ngôn ngữ mà bao trùm lên vần thơ ấy là một cảm xúc chân thành, rung động từ sâu thẳm tâm hồn. Vâng, vượt lên trên chữ nghĩa- điều cốt lõi của thơ vẫn là cảm xúc chân thành, là cái tình đấy chứ !
Em đi xuống tắm biển
Nắng hồng đọng trên môi,
Gió lùa tung mái tóc,
Sóng biển choàng bờ vai,
Anh ghen với ngọn gió
Mơn man làn tóc em,
Anh ghen với tia nắng
Hôn môi em nồng nàn,
Anh ghen với con sóng,
Ôm vai em trắng ngần,   
Anh ghen bờ cát mịn
Sưởi ấm bàn chân em,
Anh ghen với trời xanh
Sao ngắm em lâu vậy,
Biển cồn cào sóng dậy
Như lòng anh thương em…     

Nếu không yêu bằng tất cả trái tim của mình, đố ai có thể viết ra được những cảm xúc nồng thắm đến như thế. Với tập thơ đầu tay, cũng giống như một cầu thủ lần đầu tiên bước ra sân bóng, anh Văn Liêm đã “làm bàn” bằng những cú sút quyết định. Đây không phải là điều mà bất cứ ai cũng được nàng thơ trao tặng cho diễm phúc ấy. Hy vọng qua những tập thơ sau, nàng thơ và anh vẫn còn giữ lại cho nhau mối quan hệ thủy chung này.

                       
                      Nhà thơ LÊ MINH QUỐC

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

ĐẶC SAN 2017 CỦA THI ĐÀN VIỆT NAM

CHÂN DUNG TÁC GIẢ

Tác giả: Đào Văn Lượng 
Bút danh: Văn Liêm
Sinh năm: 1945 tại Sài Gòn
Quê quán: Xã Cổ Am huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Phòng
Nghề nghiệp: Giáo sư - Tiến sĩ ngành Hóa lý - Kỹ thuật
Đơn vị công tác: Trường Đại học Công nghiệp nhẹ, Trường Đại học Bách khoa TP. HCM (Đại học Quốc gia TP. HCM), Nguyên Giám đốc sở Khoa học công nghệ & Môi trường TP.HCM, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Hội viên hội Nhà văn TP. HCM, thành viên Thi Đàn Việt Nam.
Các ấn bản sách đã xuất bản: Nỗi nhớ mênh mang (NXB Trẻ 2000), Bờ bến bình yên (NXB Văn học 2009), Nghề của tôi (NXB Hội nhà văn 2016).
Tác phẩm tham dự: Tổ quốc phía mặt trời mọc, Chiều đồng quê, Dòng kênh tuổi thơ, Lời mẹ ru và Dòng Thơ dâng mẹ.

                                

                              Nhà thơ  Nguyễn Quang Vinh - Trưởng Ban Biên Tập Thi Đàn Việt Nam

Nước Việt ta vốn tự lúc sinh ra đã trải qua bao kỳ binh loạn mà hình thành nên bờ cõi. Mỗi địa danh, mỗi vùng đất đều gắn liền với những trang sử còn ghi của các bậc tiền nhân đi trước. Xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng - một địa danh được sách xưa và nay nhắc đến nhiều như thế. “Đông Cổ Am - Nam Hành Thiện” hay “Hải Dương tứ hổ - Nhất Cổ vi tiên” là những mỹ từ của người xưa dành cho vùng đất này. Nơi đây ghi dấu son vào vào huyền sử nước Việt qua câu nói của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”. Chúa Nguyễn Hoàng có câu nói ấy mà mấy trăm năm cùng con cháu Nguyễn triều mở rộng giang sơn nước Việt ta ra như ngày nay đang có. Tự hào lắm thay khi Cổ Am xưa và nay vẫn là địa danh sản sinh ra những con người làm nên sự “học” một đời lưu dấu. Giáo sư -Tiến sĩ (Ngành Hóa lý - Kỹ thuật) Đào Văn Lượng được sinh ra từ mạch huyết nơi đất mẹ Cổ Am ngàn năm khoác áo hồn thiêng như thế. Dòng chảy thời gian cùng con người Cổ Am ấy đã theo tóc bạc sương mây mà làm nên những dấu ấn riêng cho mình bằng những đóng góp nhất định vào vào sự nghiệp phát triển của nước nhà. Là một nhà giáo, Hiệu trưởng một trường Đại học lớn, một người làm khoa học, Giáo sư - Tiến sĩ Đào Văn Lượng còn mang trong mình cái duyên của người cầm bút đang hòa mình vào dòng chảy Văn học nước nhà. Nỗi nhớ mênh mang (NXB Trẻ 2000), Bờ bến bình yên (NXB Văn học 2009) và Nghề của tôi (NXB Hội nhà văn 2016) là những tác phẩm đã đến tay bạn đọc từ nhiều năm trước. Năm 2017 khi tiếng Xuân chạm khẽ vào trái tim muôn người dân nước Việt. Giáo sư - Tiến sĩ Đào Văn Lượng cũng trở về với hoài âm năm tháng tiếp bước cùng Thi Đàn Việt Nam trao khúc ân tình cho non sông tổ quốc, cho hiếu nghĩa một đời với người thân, cha mẹ. Năm bài thơ ông sáng tác và được giới thiệu trong thi tập này là mạch nguồn cảm hứng của người từng khoác áo thu phong qua mấy mùa luân chuyển. “Một thỏi vàng không bằng nang chữ” câu nói của người xưa dành cho người Cổ Am, cho quê hương Giáo sư - Tiến sĩ Đào Văn Lượng còn đó và cũng khép lại lời giới thiệu chân dung tác giả mùa sách 2017 của Thi Đàn Việt Nam như thế!

                                                                                   Trân trọng!

          
 
                                                        Trang Web bài viết của Nhà thơ Nguyễn Quang Vinh 

                      Sài Gòn tiết hạ sang năm Đinh Dậu (2017)
                                 Ngày 19 tháng 4 năm 2017 

                          Nguyễn Quang Vinh - Trưởng Ban Biên Tập Thi Đàn Việt Nam




Đọc tiếp »

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

TRI THỨC TẠO NÊN GIỌNG THƠ HIỆN ĐẠI


CHƯƠNG TRÌNH THƠ VĂN LIÊM - HTV

TRI THỨC TẠO NÊN
GIỌNG THƠ HIỆN ĐẠI
  
Biên tập viên HTV: Hoàng Vũ Quân

BTV: Chủ đề của chương trình hôm nay là:
  Giọng thơ hiện đại  =  Tri thức + Cảm xúc + Kinh nghiệm sống 
Tham gia tọa đàm hôm nay có: Nhà thơ Văm Liêm và nhạc sĩ Đức Lợi Trưởng Đoàn nhạc Dân tộc Phù Đổng.



A- Đôi nét về tác giả:
 Văn Liêm là bút danh của Đào Văn Lượng. Anh sinh tại Sài Gòn, sau ra Bắc và ở quê cùng mẹ tại Hải Phòng từ năm 1954 đến năm 1960. Từ năm 1961 đến năm 1976, anh sống học tập và làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp khóa 1964 – 1968 chuyên ngành Hóa học rồi tu nghiệp ba năm ở CHDC Đức (Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dresden). Từ năm 1980 đến nay, anh sống và công tác ở thành phố Hố Chí Minh. Anh tham gia công tác giảng dạy tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với cương vị là Giáo sư - Tiến sĩ chuyên ngành Hóa lý Kỹ thuật. Từ năm 2000, anh làm Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Thành ủy viên và là hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.
Với thơ, anh là một người rất yêu thơ và tập làm thơ từ những năm còn là học sinh. Văn Liêm xuất hiện trên thi đàn khá muộn, bài thơ đầu tiên anh được đăng trên báo Phụ nữ Chủ nhật năm 1996. Từ đó đến nay Văn Liêm đã xuất hiện trên các báo như: Tài hoa trẻ, An ninh, Văn nghệ… Mặc dù ít xuất hiện nhưng thơ Văn Liêm rất chững chạc và chắc chắn. Thơ Văn Liêm được độc giả ghi nhận bởi tính hiện đại, súc tích khoa học, đầy tư duy và cảm xúc về hiện thực, về những luận đề, luận giải trước cuộc sống đa chiều mà trong đó tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, tính nhân văn vẫn là âm hưởng chủ đạo.
(Bài thơ 1: Bờ bến bình yên)

B-  Tọa đàm:
BTV: Thưa nhà thơ Văn Liêm. Anh là một nhà giáo, một nhà khoa học, một nhà công nghệ và môi trường… và từ những “nhà” ấy anh đã có tuyên ngôn như sau:
Trong bộn bề một ý thơ chợt đến
Làm dịu đi những trăn trở đời thường.
Một nhành non cho trời thêm xanh biếc
Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn!
        (Thơ và Đời)
Như vậy, anh làm thơ để tạo ra cái đẹp cho bản thân và rộng hơn là cho cuộc đời. Công chúng đang muốn lắng nghe giãi bày của anh về luận điểm: “Làm thơ là tạo ra cái đẹp”.
VL: Đúng vậy. Tôi nghĩ làm thơ không chỉ là phát hiện cái đẹp mà còn phải ươm mầm để tạo ra cái đẹp. Cũng như các nhà khoa học xã hội - nhân văn và cả các nhà khoa học - công nghệ khác, các nhà thơ bao giờ cũng muốn vươn tới cái đẹp cái Chân – Thiện – Mỹ, trước hết để tự hoàn chỉnh mình để làm đẹp cho gia đình, cho bạn bè và sau đó là góp phần làm đẹp cho đời. Nhưng thường thường người ta cứ đi tìm cái đẹp ở mãi đâu đâu mà quên đi những cái đẹp rất bình dị xung quanh mình, có lần tôi phải thú nhận:
Trong thơ anh có trời rộng biếc xanh
Có biển cả rì rào sóng vỗ
Có những cánh buồm lao trong bão tố
Chỉ thiếu những công việc hàng ngày bình dị của em…
                                            (Bài thơ chưa tròn)
Thơ có khả năng làm cho ta thư giãn lấy lại thăng bằng trong cuộc sống bề bộn này: “Trong bộn bề một ý thơ chợt đến/ Làm dịu đi những trăn trở đời thường”. Nhưng quan trọng hơn thơ còn có chức năng cảm hóa, giáo dục làm cho người ta đạt đến cái Thiện tâm: “Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn”.
BTV: Xin cảm ơn nhà thơ Văn Liêm và chúng ta đến với một bài thơ của anh, bài “Ghen với biển”. Cũng xin nói thêm là vừa rồi chúng ta đã nghe tuyên ngôn của Văn Liêm: “Làm thơ là tạo ra cái đẹp” mà bây giờ là bài thơ có từ “ghen” và chúng ta hãy xem Văn Liêm ghen thế nào nhé. 
(Bài thơ 2: Ghen với biển)
BTV: Thưa nhạc sỹ Đức Lợi, tác giả Văn Liêm nói với tôi rằng chính nhạc sĩ là người phát hiện ra những ý tứ trong thơ Văn Liêm mà nhiều khi tác giả thấy bất ngờ và thú vị. Và ở đây chúng tôi muốn nghe ý kiến về những “chủ điểm” trong thơ Văn Liêm mà anh nhận ra được?
ĐL: Tôi xin nêu ra một ý kiến khá thống nhất của nhiều người trong đó có cả những người làm công tác nghiên cứu văn học đó là: “Tính hiện đại trong thơ Văn Liêm”. Tôi thường nghĩ, phải chăng Văn Liêm là một nhà khoa học cho nên tư duy của anh, cảm xúc của anh, đề tài và câu tứ của anh trong thơ cũng rất khoa học, vì vậy mà ta cảm thấy nó hiện đại chăng. Ví dụ, có những bài thơ mà tên bài đã rất hiện đại: Tâm sự E-mail, Tìm nhau trên cánh sóng, Mơ Romeo – Juliet… hay những thuật ngữ mà anh dùng: phân tử, lực trường, chùm electro, sóng vi ba… Đó là những thuật ngữ khoa học ít khi xuất hiện trong thơ; song Văn Liêm đã đưa chúng vào thơ rất tự nhiên và cũng thật dễ đón nhận; có lẽ bởi đó chính là những thuật ngữ mà anh đã quen dùng hàng ngày.
Rồi Văn Liêm nói về những công việc hàng ngày của vợ anh cũng rất tự nhiên giản dị trong bài “Bờ bến bình yên” mà có lần chị vợ anh đã nói với tôi: “Anh ấy viết bài đó là cho các anh đấy chứ”.
Tứ thơ của Văn Liêm vừa mang tính dân tộc, vừa xúc cảm lại vừa hiện đại:
Nắng xiên xiên
bóng lúa đổ dài
Chiều buông nhẹ
cánh đồng bát ngát
Gió thoang thoảng
hương đòng thơm mát
Trâu thủng thẳng về
tiếng mõ khua vang
Ngọn tre đầu làng
nắng xế nhuộm vàng
Đàn cò trắng
về chân trời xa tắp
Diều căng gió
tiếng sáo bay vi vút
Tiếng chuông chùa
gõ nhịp ngân nga…
Chiều bâng khuâng
nỗi nhớ quê nhà…
       (Chiều đồng quê)
Ở đây, không phải Văn Liêm cố tình tạo ra cấu trúc style mà chính cung bậc suy tư và xúc cảm đòi hỏi cấu trúc đó, cho nên ta thấy tính hiện đại trong thơ Văn Liêm thể hiện cả ở nội dung lẫn hình thức.
Một điều đáng nói nữa là chất nhà giáo và tình thầy trò thể hiện rất đậm nét trong thơ anh. Anh viết: “Hành trang mang theo là tình thầy nghĩa bạn”; điều này mang tính dân tộc và tính giáo dục rất cao.
BTV: Vâng, cảm ơn anh. Đúng vậy, điều đó được thể hiện rõ trong bài thơ mà các bạn sẽ nghe sau đây:
(Bài thơ 3: Nghề của tôi)
BTV: Thưa anh Văn Liêm khi tôi chọn tên cho chương trình này là: “Tri thức tạo nên giọng thơ hiện đại” tức là đã đưa ra một nhận định và đánh giá về thơ của anh. Làm thế nào để thơ anh nói riêng và thơ của ngày nay nói chung vừa mang tính thời đại lại vừa tạo nên dấu ấn riêng? Xin anh hãy cho ý kiến cá nhân về vấn đề này.
VL: Nhận định đó có phần đúng nhưng theo tôi, có thể nêu ra một quan điểm rất cơ bản: “Chính bản sắc dân tộc, chính truyền thống văn hóa dân tộc là yếu tố cơ bản nhất tạo cho thơ tiếp cận với hiện đại” mà vẫn rất thơ. Vấn đề chính của thơ hiện nay là phải tiếp cận với cuộc sống hiện đại rất sống động hiện nay và “thể hiện cuộc sống một cách hiện đại”. Tôi cũng rất thích tìm về các làn điệu lục bát (bài Thơ Xuân):
Mai vàng hé nụ chào xuân
Nắng hanh ươm mật tần ngần bầy ong
Đào khoe sắc thắm má hồng
Thơ xuân chừng đã thương thầm nàng Xuân.
Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong Thế kỷ 21 với những bước nhảy vọt về khoa học và công nghệ như: công nghệ sinh học, công nghệ Nano, Internet, truyền thông đa phương tiện… thì các nhà khoa học lại có ưu thế. Các nhà khoa học thường phải quan sát phân tích và diễn giải các hiện tượng một cách chân thực logic, nên có lẽ vì vậy mà thơ của họ cũng thể hiện đặc tính nghề nghiệp đó.
Song phải nói đến một yếu tố vô cùng quan trọng mà không có nó sẽ không thể có thơ đó là cảm xúc. Chính cảm xúc dâng trào đã thúc giục tôi cầm bút:
Anh viết cho em những vần thơ
Những vần thơ như con sóng xô bờ
Mang khát vọng của đại dương bão tố
Những vần thơ mênh mang thương nhớ
Những vần thơ chở nặng ưu tư
Những vần thơ không biết tự bao giờ
Đã cháy rực trong tim anh nóng bỏng.
    (Chỉ dành cho em)
BTV: Xin cảm ơn anh và chúng ta đến với:
(Bài thơ 4: Dòng sông buồn)
Thưa anh Đức Lợi, là một nhạc sĩ anh thấy nhạc tính trong thơ Văn Liêm thế nào?
ĐL: Đây chính là thế mạnh của tôi. Theo tôi nhạc tính trong thơ Văn Liêm thể hiện ở nhiều khía cạnh:
Thứ nhất: Khả năng “nghệ sĩ” của anh trong việc cảm thụ các nhạc cụ. Khi nghe Đoàn nhạc Dân tộc Phù Đổng biểu diễn anh viết bài “Nhịp trống ngàn xưa” trong đó có những câu:
Tiếng trống đồng Ngọc Lũ âm vang
Tiếng đàn đá giục buôn làng mở hội.
Tiếng sáo bay dội vách đá vọng về
Con nai vàng ngơ ngác lắng tai nghe
Đàn Klông Pút bập bùng hòa tiếng suối. 
Trong bài “Chuyện cây sáo trúc” anh đã kể về sự tích cây sáo trúc thông qua mối tình ai oán của đôi trai gái và kết luận: “Nếu có phải biến thành cây sáo trúc/ Anh sẽ theo em quấn quýt suốt đời”.
Thứ hai: Thơ anh thể hiện nhạc tính rất rõ: lúc trầm, lúc bổng, lúc khoan lúc nhặt, lại có những “nốt lặng” làm xao xuyến lòng người. Trong bài “Sợi tóc em” anh viết:
Nhặt sợi tóc của em
Vương trên nền gối trắng
Một phú giây tĩnh lặng
Giữa mênh mông dòng đời.
      (Sợi tóc em)
Thứ ba: Nội dung và hình thức trong thơ Văn Liêm phản ánh rất rõ nét cuộc sống và hoạt động của anh, đó là sự hòa quyện giữa tâm hồn, cảm xúc, kiến thức và kinh nghiệm sống. Vì vậy, những cung bậc thăng trầm của cuộc sống hôm nay cộng hưởng với những cung bậc nhạy cảm trong tâm hồn anh được thể hiện rất nhuần nhuyễn trong thơ tạo nên tính nhân văn trong thơ anh.
Cũng có thể nói, thơ Văn Liêm là cuộc trùng phùng giữa truyền thống dân tộc và nhịp sống hiện đại hôm nay.
BTV: Cảm ơn Nhạc sĩ. Bây giờ chúng ta đến với:
(Bài thơ 5: Sống chung với lũ)
Vâng, thưa quý vị, vì thời lượng có hạn nên bây giờ chúng tôi muốn nghe lời tâm huyết của nhà thơ Văn Liêm và nhạc sĩ Đức Lợi.
VL: Cám ơn anh. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một nhà triết học: “Chỉ có cái đẹp mới cứu được thế giới này” mà thơ lại tạo ra cái đẹp nên thơ góp phần cứu nhân loại. Thơ có ưu thế là có thể lách vào những chỗ sâu kín nhất của tâm hồn. Thơ đánh thức những giá trị nhân bản đồng thời làm hạn chế những ham muốn thấp hèn trong mỗi con người.
Theo tôi những người làm thơ và những người yêu thơ có thể chưa thật tốt, chưa thật hoàn hảo nhưng không bao giờ họ là người xấu bởi vì những kẻ có tâm địa xấu không thể nào hiểu được cái hay, cái đẹp, cái nhân ái của thơ.
ĐL: Tôi muốn nói thêm, trong Văn Liêm, nhà khoa học, nhà giáo, nhà thơ, nhà môi trường học, người chồng, người bạn đã hòa quyện vào nhau để thăng hoa thành những vần thơ thật nhân ái. Tình bạn tình yêu môi trường thiên nhiên yêu con người của anh thật đằm thắm. Có lần anh tâm đắc với tôi:
“Phải làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành một Tâm đạo của nhân loại”.
BTV: Vâng, xin cảm ơn nhà thơ Văn Liêm, nhạc sĩ Đức Lợi và quý vị đã đến với Chương trình Thơ của chúng tôi.

                                         Biên tập viên HTV: Hoàng Vũ Quân

Chương trình Thơ Văn Liêm "Tri thức tạo nên giọng thơ hiện đại" 
               phát trên HTV9 Tp.HCM 16/01/2010

      https://www.youtube.com/watch?v=kk9v0Oi0ETk&t=244s

Đọc tiếp »

BỜ BẾN BÌNH YÊN – Thơ Văn Liêm - Anh Kỳ


BỜ BẾN BÌNH YÊN – Thơ Văn Liêm  (*)

ANH KỲ
  
Nhiều người thường nghĩ rằng, các nhà khoa học khó “se duyên kết tóc” với nàng Thơ. Bởi lẽ, hai cách tư duy hình như không cùng một tần số khi rung động trước cái đẹp trần thế. Nhưng thật ra, sự tưởng tượng bay bổng của thơ đã chắp thêm cánh cho các nhà khoa học tiếp cận với các vấn đề vẫn mang tính chính xác, cụ thể, sáng tạo lại thêm thi vị, bừng sáng, thăng hoa... Hơn na h còn ging nhau  ch: nếu đã đam mê thì đam mê đến cháy bỏng. Tôi nghĩ, trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người đều có nhan sắc của nàng Thơ ngự trị. Nếu ta biết cách đánh thức hồn thơ ấy thì nàng Thơ sẽ hào phóng trao tặng cho chúng ta những cảm xúc tươi rói, đủ sức tạo ra sự đồng cảm với người khác.


Trường hợp của Văn Liêm là một ví dụ khá thuyết phục: Anh tên thật là Đào Văn Lượng, sinh 1945 tại Sài Gòn; từ nhỏ đã ra Bắc, học tập ở quê gốc là Hải Phòng, rồi ở Hà Nội và CHDC Đức; là Giáo sư, Tiến sĩ Hóa Công nghệ của Đại học Quốc gia; rồi làm Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ & Môi trường và là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Văn Liêm đến với thơ bằng cảm xúc hồn nhiên của một người đứng trước thiên nhiên và tình ái. Những quyến rũ nơi ấy đã gợi dậy trong tâm hồn anh những xúc cảm để bật ra tiếng thơ. Không giấu giếm điều này, anh bày tỏ lòng mình thật giản dị:
Trong bộn bề một ý thơ chợt đến
Làm dịu đi những trăn trở đời thường,
Một nhành non cho trời thêm xanh biếc,
Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn.
Đây là thông điệp của cái đẹp mà anh muốn gửi gắm đến mọi người. Trong thơ, anh đã dành gia tài lớn nhất của đời người cho Quê hương và cho Em. Quê hương hiện hữu trong thơ anh chinh phục được tâm hồn người đọc, vì những nơi ấy anh đã từng đến, từng có cảm xúc, từng rung động trước cái đẹp đi về trong trái tim và con mắt của anh. Trong bài Nhớ Hà Nội, anh viết nhẹ nhàng như hơi thở:
Nhớ lắm những chiều thu Hà Nội,
Con phố dài lất phất mưa bay,
Tiếng đàn ai ngân trong ngõ vắng,
Xào xạc bên hè một thoáng heo may…
Với vịnh Hạ Long, Hải Phòng, Huế, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Đồng Tháp, Tây Nguyên… anh cũng có những tứ thơ đằm thắm như vậy:
Muối mặn gọi ta về với biển,
Gió mơn man, biển thở nồng nàn.
Đi bên em trên bờ cát mịn,
Nghe thì thầm Nha Trang! Nha Trang!
Trăng ngoi lên từ sâu thẳm đại dương,
Con sóng bạc mặn mòi tình biển cả,
Nỗi khao khát vỡ oà vào bờ đá,
Biển vụng về chẳng biết ngỏ lời yêu!
Cảnh đồng quê Việt Nam cũng khắc đậm trong thơ anh những nét thật hiền hòa, thân thương, ngọt ngào và thi vị với những mối tình thật giản dị:
Xưa chúng ta còn bé
Thường ra bờ kênh chơi,
Gió chiều về man mác,
Dòng kênh nước đầy vơi…
Anh gấp con thuyền giấy,
Thả theo dòng nước trôi,
Ôi cánh buồm nhỏ xíu,
Mang khát vọng cuộc đời…
Và những câu thơ như kể chuyện cổ tích trong bài Chuyện cây sáo trúc:
Anh kể em nghe chuyện về cây sáo trúc:
“Có chàng trai nhà nghèo
 yêu một cô gái đẹp,
Nàng là con một phú hộ rất giàu,
Có lần trốn nhà, tìm gặp người yêu,
Phú hộ bắt nàng về trói lại”
Nếu có phải biến thành cây sáo trúc,
Anh nguyện theo em quấn quýt suốt đời.
Chúng ta đều biết, trong thơ thường có nhạc và trong nhạc đã có chất thơ. Quả vậy, thơ của anh rung động, cộng hưởng và cuốn hút vào dòng nhạc của Đoàn nhạc Dân tộc Phù Đổng:
Cả không gian ngập tràn trong tiếng nhạc,
Kéo ngược dòng lịch sử bốn ngàn năm,
Tiếng trống đồng Ngọc Lũ âm vang,
Tiếng đàn đá giục buôn làng mở hội,
Tiếng voi gầm dội vào vách núi,
Đoàn quân đi đỏ bụi một vùng trời,
Vó ngựa phi dồn dập vọng về xuôi,
Tin thắng trận rộn ràng trong nhịp trống...
Người nghệ sĩ gửi tình vào nốt nhạc,
Tặng cho đời niềm khao khát yêu thương.
Một người bạn học có tài năng âm nhạc mà anh rất ngưỡng mộ, đó là nhạc sĩ Trần Tiến. Anh yêu nhạc Trần Tiến bởi họ cùng có những rung động thật sâu lắng, bình dị và nhân ái:
Lời anh hát có lửa hồng bừng cháy,
Ngọn lửa trong tim, ngọn lửa giữa đời.
Có nụ cười ngộ nghĩnh trên vành môi
Em gái nhỏ gội mưa, say sưa nghe hát.
Có chú bé trèo cành me chót vót,
Mắt mơ màng nghe lời hát bay xa.
... Tiếng hát xoáy vào lòng,
day dứt không nguôi.
Không ai có thể dửng dưng trước tình cảm rất thật, rất đời của anh với những câu thơ vừa cuồng nhiệt, vừa dịu dàng:
Anh yêu em - trời xanh yêu mây trắng,
Anh tìm em như sóng biển tìm bờ,
Sóng dạt dào hôn bờ cát ngây thơ,
Bờ cát mịn ngẩn ngơ niềm hạnh phúc.
Anh yêu em chân thành và giản dị,
Anh cần em - cần em biết nhường nào.
Sự so sánh ở đây vừa có tư duy của thơ, nhưng cũng vừa có cái nhìn chính xác của một nhà khoa học. Có lẽ, nhiều người phụ nữ phải ghen lên, khi thấy thơ anh đã dành hết cho người con gái mà anh đã yêu quá say đắm:
Anh viết cho em những vần thơ,
Những vần thơ như con sóng xô bờ
Mang khát vọng của đại dương bão tố,
Những vần thơ mênh mang thương nhớ,
Những vần thơ chở nặng ưu tư,
Những vần thơ không biết tự bao giờ
Đã cháy rực trong tim anh nóng bỏng.
Ta có cảm nhận rằng, anh viết dễ dàng như lấy một báu vật từ trong túi ra, không dụng công, không khoa trương ngôn ngữ mà bao trùm lên những vần thơ ấy là một cảm xúc chân thành, rung động từ sâu thẳm tâm hồn. Vâng, vượt lên trên chữ nghĩa, điều cốt lõi của thơ vẫn là cảm xúc chân thành, là cái tình đấy chứ:
Mỗi lần em ghé lại,
Thời gian như ngừng trôi
Và tim anh khắc khoải
Nghe thổn thức, bồi hồi.
Nếu em là biển động
Tung ngọn sóng dâng trào,
Anh xin làm bờ đá
Uống cạn tình em trao.
Có điều dễ nhận ra nhất, trong ký ức của Văn Liêm, bao giờ cũng thấy hiện lên bóng dáng vừa hiền lành, quen thuộc, vừa dữ dội, độc đáo về biển. Và ở đâu cũng vậy, hình bóng dịu dàng của một người con gái luôn làm cho biển càng đẹp và đáng yêu hơn. Cái đẹp của biển trời, cùng với cái đẹp của con người khiến anh không thể không viết nên những vần thơ đầy cảm xúc trong bài Ghen với biển:
Em đi xuống tắm biển
Nắng hồng đọng trên môi,
Gió lùa tung mái tóc,
Sóng biển choàng bờ vai,

Anh ghen với ngọn gió
Mơn man làn tóc em,

     Anh ghen với tia nắng
Hôn môi em nồng nàn,

Anh ghen với con sóng
Ôm vai em trắng ngần,
Anh ghen bờ cát mịn
Sưởi ấm bàn chân em,

Anh ghen với trời xanh
Sao ngắm em lâu vậy,
Biển cồn cào sóng dậy

Như lòng anh thương em…


Trong thơ anh, ta thấy có lúc biển hiền hòa như một cô gái nhỏ, lại có lúc tưởng chừng như nghe tiếng sóng biển vang dội, thét gào mãnh liệt:
Ôm em vào lòng, thương em nhiều quá,
Nghe trong tim sóng đã xô bờ.
Em đây rồi mà cứ ngỡ trong mơ,
Anh mới hiểu mình yêu em như biển.

Nếu không yêu bằng cả trái tim của mình, đố ai có thể viết ra được những cảm xúc nồng thắm đến như thế. Đây không phải là điều mà bất cứ ai cũng được nàng Thơ trao tặng cho diễm phúc ấy.
Trong cuộc sống đời thường bận bịu, vất vả, trăn trở có những niềm vui và có cả những nỗi buồn; anh đã nhận ra người vất vả nhất, người có thể chia sẻ tất cả với anh, chính là người vợ thân thiết mà anh đã tri ân trong bài Bờ bến bình yên:
Anh mải lo công việc chung bề bộn,
Còn em – em chỉ biết lo cho anh.
Khi có niềm vui
Anh chia với bè bạn xung quanh,
Còn nỗi buồn, trút cho em tất cả.
Cuộc sống còn quá nhiều vất vả,
Đồng đội có lúc hiểu lầm,
               bè bạn có thể hại nhau,
Bàn tay em xoa dịu bớt nỗi đau
Sưởi ấm lòng anh đang tê tái.
Về bên em, tâm hồn anh dịu lại,
Em là bờ bến bình yên!

Có lần anh tâm sự: “Tôi nghĩ rằng, những người yêu thơ và làm thơ có thể chưa thật tốt, chưa thật hoàn hảo, song họ không bao giờ là kẻ xấu, bởi vì những kẻ có tâm địa xấu chẳng bao giờ hiểu được cái hay, cái đẹp, cái nhân ái của thơ”. 
Quả thực, thơ Văn Liêm lúc bồi hồi, nhung nhớ, lúc trăn trở, dữ dội, lúc nhẹ nhàng, sâu lắng và nhân ái, chứa chan tình yêu, tình người. 

                                             BTV - Đạo diễn ANH KỲ - Tp. HCM 02/2009
__________________________

Ghi chú:  (*) Trong bài viết đã sử dụng nhiều dữ liệu trong Lời bình của Nhà thơ Lê Minh Quốc về tập thơ Nỗi Nhớ Mênh Mang của Văn Liêm - NXB TRẺ năm 2000.

     


Đọc tiếp »